Chọn trường Đại học hay chọn ngành là câu chuyện muôn thuở mỗi mùa tuyển sinh. Một số quan niệm cho rằng cứ ngành HOT thì chọn. Bạn bè học ngành đó nên học theo. Đậu ngành nào học ngành đó. Ba mẹ chọn ngành cho con. Đăng ký nguyện vọng làm sao để trúng tuyển Đại học, trường càng TOP càng tốt. Nói chung phải đậu Đại học, ngành gì cũng được để không phí 12 năm đèn sách, không mất mặt gia đình…
Mình thật sự rất sợ những quan điểm này. Vì hậu quả của nó là không nhỏ.
Vậy, chọn trường đại học hay chọn ngành học quan trọng hơn? Định hướng như thế nào cho phù hợp? Mình xin chia sẻ đôi điều về việc này sau 4 năm học (ở 2 ngành khác nhau) và hơn 1 năm đi làm.
Quan điểm của mình có thể đúng hoặc không. Nhưng, mình sẽ góp cho bạn một góc nhìn từ những trải nghiệm thật của mình. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn!
Mục lục đọc nhanh
- Hậu quả của những quan điểm sai lầm
- Chọn như thế nào cho đúng
2.1 Tìm hiểu bản thân
2.2 Chọn ngành học
2.3 Chọn trường phù hợp
1. HẬU QUẢ CỦA NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ CHỌN TRƯỜNG ĐH VÀ CHỌN NGÀNH
Theo mình, những quan niệm liệt kê ở đầu bài là không hợp lý. Việc lựa chọn học ngành gì, trường nào phải do chính các bạn quyết định sau khi đã tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng. Bạn không thể để người khác chọn giúp hoặc không quan tâm. Suy nghĩ chỉ cần đậu Đại học, trường gì cũng được, ngành gì cũng được. Và nếu trượt, mọi việc coi như hết. Chúng thật sự rất nguy hiểm. Vì:
Thứ nhất: Đại học không phải con đường duy nhất

Mình không khuyến khích bạn bỏ học. Đại học có thể là con đường tốt nhất. Nhưng, rõ ràng, nó không phải là lựa chọn duy nhất. Trường đó có thể là tốt, là mơ ước của bạn. Nhưng, nó có thể không phù hợp với bạn. Vì chúng ta chưa học nên không thể khẳng định 100% là hợp. Hơn nữa, trường học chỉ là một phần. Bạn mới chính là người quyết định học cái gì và nên học như thế nào.
Vậy nên, việc rớt trường A, B, C hay thậm chí không đậu một trường nào không có nghĩa là bạn hết đường. Bạn có thể học nghề, học các khóa học ngoài trường Đại học, hoặc đi làm, học từ cuộc sống, học từ sách, từ Internet….Việc học ngày nay thật sự rất đa dạng và dễ dàng.
Vì vậy, mình hy vọng bạn hay các bậc phụ huynh sẽ không đến mức tuyệt vọng khi rớt nguyện vọng 1 hay rớt Đại học. Thậm chí, nhiều bạn đã rất áp lực, stress, trầm cảm, thậm chí tự tử vì rớt Đại học. Điều đó thật sự rất đau lòng.
Tuy nhiên, các trường Đại học ngày nay nhiều không kể hết. Nên, việc không có trường để học là rất khó.
Thứ hai: Không quan tâm việc chọn ngành phù hợp
Hầu hết mọi người chỉ băn khoăn đăng ký trường, nguyện vọng làm sao để trúng tuyển. Rất ít bạn tìm hiểu về ngành học kỹ lưỡng để lựa chọn. Dẫn đến, trong quá trình học mới phát hiện bản thân không phù hợp. Từ đó, nhiều bạn chán nản, bỏ học, hoặc đổi ngành. Việc này làm lãng phí nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Một số khác có thái độ học cho có, qua môn là được. Không chủ động tìm tòi học hỏi, tích lũy kỹ năng… Kết quả ra trường nhưng không có năng lực, dễ thất nghiệp.
2. CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HAY CHỌN NGÀNH HỌC, CHỌN SAO CHO ĐÚNG
Vậy, bạn cần làm gì để lựa chọn phù hợp?

2.1 Tìm hiểu bản thân
Việc đầu tiên không phải tìm hiểu ngành hay trường nào cả mà là tìm hiểu bản thân bạn.
Hãy tìm hiểu và đánh giá bản thân thật kỹ. Thích gì, ghét gì, mạnh gì, yếu gì. Đọc đến đây, có thể không ít bạn sẽ không biết nhiều về bản thân. Mình xin gợi ý một số cách để bạn có thể nhận ra chúng nhé.
Một số cách thức tìm hiểu bản thân:
* Nhìn lại chính mình
Bạn hãy viết hết ra. Nhìn lại bản thân hay thích thú những thứ gì. Điều gì làm bạn vui khi làm hay nghĩ đến. Bạn hay dừng lại đọc những chủ đề gì trên mạng xã hội. Bạn hay xem những chương trình liên quan lĩnh vực nào trên youtube…Điều gì làm bạn không thích. Bản thân cảm thấy khó tiếp thu những gì. Bạn giỏi nhất khả năng nào. Điều gì bạn còn yếu…

Sau đó, bạn hãy khảo sát ý kiến của ít nhất 5 người thuộc 5 nhóm khác nhau thường tiếp xúc với bạn. Ví dụ: gia đình, thầy cô, bạn bè, người quen, chỗ làm thêm, người yêu…Sau đó đối chiếu với những điều bạn viết. Nhưng, bạn phải đưa ra câu hỏi cụ thể. Không hỏi chung chung như hãy nhận xét về mình đi. Bạn nên đặt câu hỏi cụ thể và có thể đưa ra nhiều lựa chọn cho họ chọn và giải thích thêm.
Ví dụ: Điểm mạnh của mình là gì? Có khả năng thuyết trình, diễn giải/ Giỏi ngoại ngữ/ Viết lách/ Hát hay/ Trùm công nghệ máy tính/ Lý luận chặt chẽ, thuyết phục/ Thiết kế hình ảnh xịn sò/ Chụp hình đẹp/ Khác…
Điều bạn nghĩ và người khác nghĩ giống nhau. Khả năng lớn đó là chính bạn. Nếu khác, hãy suy ngẫm lại. Liệu đó là của mình nhưng bạn bè chưa nhận ra và ngược lại.
Kết nối tất cả, bạn sẽ nhìn rõ hơn về điểm mạnh yếu , tính cách, sở thích và khả năng nghề nghiệp của mình. (Thay vì viết, bạn có thể thu âm/ quay video..Tùy bạn nhé).
* Bài trắc nghiệm nghề nghiệp, tính cách
Bạn có thể thử làm một số bài trắc nghiệm. Nó giúp bạn tham khảo thêm về tính cách, nghề nghiệp phù hợp. Ví dụ: bài trắc nghiệm Holland; MBTI…

Ngoài ra, bạn có thể làm sinh trắc học vân tay hoặc đến các tổ chức tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp để tìm hiểu sâu về tính cách, sở trường, nghề nghiệp phù hợp. Cái này sẽ tốn phí nhé. Nhưng mình khuyến khích bạn nên làm 2 cách trên trước, tự tìm hiểu, quan sát bản thân. Khi có điều kiện, bạn có thể tham khảo thêm sinh trắc hay tư vấn chuyên nghiệp.
2.2 Chọn ngành học phù hợp
Sau khi tìm hiểu kỹ bản thân, bạn nên tìm hiểu về ngành học trước khi tìm hiểu trường. Mỗi trường có rất nhiều ngành đào tạo. Có ngành tốt, ngành không tốt. Quan trọng nhất, bạn hợp với ngành nào. Bạn không thể chỉ quan tâm và nhất định vào trường đó mà không để ý đến ngành học. Bạn phải chọn được ngành phù hợp rồi mới chọn trường Đại học.
Vậy, tìm hiểu ngành học là tìm hiểu những gì?
Để hiểu rõ một ngành học bất kỳ, bạn phải trả lời ít nhất được 3 câu hỏi sau, một cách chi tiết nhất có thể.

Câu 1: Ngành đó học những gì?
Trước hết bạn phải hiểu được mình sẽ học những gì về ngành đó. Bạn hãy:
– Tìm và đọc thật kỹ chương trình đào tạo của ngành. Hầu hết các trường đều công bố chi tiết chương trình đào tạo của từng ngành. Bạn vào web trường tìm. Đọc để hình dung mình sẽ học những môn gì nếu chọn ngành đó.
– Hỏi thăm các anh/ chị đã, đang học ngành đó. Xin họ review. Nhưng, lưu ý hỏi sao cho khéo. Không ai có nhiều thời gian và cũng không có nghĩa vụ phải trả lời hay giúp bạn. Vậy nên, hãy thật sự trân trọng và biết ơn những người đã giúp đỡ bạn.
Câu 2: Học ngành đó sau này làm nghề gì?
Câu hỏi tiếp theo là học xong thì có thể làm những gì. Đầu tiên, mình phải khẳng định ngành và nghề là khác nhau. Và một ngành học có thể làm rất nhiều nghề. Trừ một số ngành như học sư phạm thì làm thầy cô giáo hay học y thì làm bác sỹ. Nhưng, bây giờ bạn có thể thấy một số bác sỹ còn làm youtuber (chia sẻ kiến thức về chăm sóc da chẳng hạn) hoặc thầy cô giáo kiêm streamer…
Quay lại một ngành có thể làm nhiều nghề. Ví dụ: nhiều bạn nghĩ học luật thì sẽ làm luật sư. Nhưng không, bạn có thể làm n nghề khác nhau. Như: luật sư, thẩm phán, công chứng viên, kiểm sát viên, chuyên viên pháp lý, thư ký tòa án… Những vị trí này bạn sẽ học và thi tuyển thêm. Tốt nghiệp đại học thì chỉ mới là cử nhân ngành luật abc đó thôi.
Hoặc bạn có thể làm trong các công ty tư nhân với các vị trí như: chuyên viên pháp chế, thư ký…Thậm chí, bạn học luật nhưng vẫn có thể làm ở bộ phận hành chính nhân sự. Dù hai cái tên có vẻ không liên quan nhau.
Một ví dụ khác: ngành Quản trị kinh doanh. Ngành này học xong làm còn nhiều nghề nữa. Từ phòng kế toán, phòng hành chính nhân sự, phòng kinh doanh, phòng mua hàng, phòng chăm sóc khách hàng…trừ một số vị trí khá đặc trưng như trong phòng IT, phòng liên quan pháp lý thì học QTKD đều có thể làm. Mỗi phòng có rất nhiều vị trí và nghề khác nhau. Vậy nên, phạm vi nghề nghiệp rất rộng.
Câu 3: Tương lai của ngành/ nghề đó?
Sau khi hiểu được ngành đó học gì, học xong có thể làm gì, bạn phải xem xét thêm yếu tố xu hướng ngành nghề. Ít nhất 5-10 năm sau khi mình học xong, dự báo ngành nghề đó ra sao, xu hướng nguồn nhân lực như thế nào. Bạn phải tìm hiểu kỹ để tránh việc sau khi tốt nghiệp thì nhu cầu đã bão hòa.
Mình tin rằng sau khi trả lời được 3 câu hỏi trên, kết hợp với kết quả của việc tìm hiểu bản thân, bạn sẽ đưa ra câu trả lời mình phù hợp với ngành nào. Nó có thể không chính xác 100%. Nhưng ít nhất mọi việc cũng rõ ràng và chi tiết hơn rất nhiều. Và bạn có thể dùng những cơ sở này để thuyết phục bố mẹ theo học ngành đó nếu bị phản đối.
2.3 Chọn trường Đại học
Cuối cùng mới là chọn trường Đại học. Bạn hiểu bản thân. Bạn chọn được ngành phù hợp. Sau đó, hãy tìm hiểu thông tin tất cả các trường đào tạo ngành học đó. Bạn có thể dựa trên các tiêu chí sau để quyết định đăng ký trường nào:
- Khả năng trúng tuyển
- Học phí
- Độ yêu thích trường
- Chi phí ăn ở khi học
- Lịch sử trường
- Danh tiếng của trường
- Đội ngũ giảng viên…
Bạn có thể tự cho điểm trên mỗi tiêu chí. Sau đó, chấm điểm cho các trường. Và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với bạn tại thời điểm đó.
Chúc bạn sẽ có lựa chọn phù hợp và hạnh phúc nhé!
Để giúp mình duy trì blog, bạn đọc có thể đóng góp bằng cách click vào link sau. Cảm ơn các bạn nhiều nhé!
Tặng Y 1 ly cà phê
Note: Bạn đừng quên cú pháp: “Donate Kenhsv” nhé.
Bài viết có tham khảo bài chia sẻ về chọn trường, chọn ngành và chọn nghề sao cho phù hợp của PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, giảng viên Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế – Luật Tp.HCM.
Xem thêm: 10 ĐIỀU NHẮN NHỦ SINH VIÊN TỪ “TIỀN BỐI”.